Thời gian qua, trên tuyến đê sông Hoàng Long thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan (Ninh Bình) xe quá tải từ các mỏ đá công khai lộng hành khiến mặt đê bị hư hỏng nặng nề, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động an toàn giao thông và đời sống người dân.
Theo phản ánh của người dân sống dọc tuyến đê hữu sông Hoàng Long thuộc địa phận các xã Gia Sinh, Gia Lạc, Gia Minh (huyện Gia Viễn) và xã Thượng Hoà của (huyện Nho Quan), nhiều năm qua, tuyến đê sông Hoàng Long luôn trong tình trạng phải gồng mình “cõng” những đoàn xe chở đất, đá, cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải từ các mỏ đá Trung Hiếu và mỏ đá Gia Minh nằm phía ngoài đê.
Tình trạng đó khiến tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị nứt toác, sụt lún, cong vênh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công tác bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai.
Ghi nhận của PV tại khu vực đê hữu sông Hoàng Long, trên đê có cắm biển cấm xe trọng tải từ 12 tấn lưu thông ở cả 2 đầu, có xây dựng cột mốc bê tông, cọc tiêu để ngăn xe quá khổ. Tuy nhiên, theo quan sát, nhiều trụ bê tông, cọc tiêu ngăn xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê đã bị đập vỡ, bẻ gãy. Ngoài ra tại những khu vực có cọc tiêu còn được đổ đất, đá lan cạp cho đê rộng ra để thuận lợi cho xe to qua lại.
Xe tải hàng chục tấn chạy trên tuyến đê sông Hoàng Long
Theo ghi nhận, chỉ trong một giờ đồng hồ, tại đây hàng chục xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải từ trong các mỏ đá, cát thuộc khu vực xã Thượng Hoà (Nho Quan) và xã Gia Minh, Gia Lạc (Gia Viễn) nối đuôi nhau chở vật liệu lưu thông trên đê. Nhiều xe còn không che phủ bạt, bụi cát cuốn lên bay mù mịt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực.
Anh Nguyễn Hữu Hưng, người dân thuộc xã Thượng Hoà bức xúc cho biết: “Xe vận tải chạy rầm rầm suốt cả ngày, từ sáng sớm cho đến tận tối muộn, rất nhiều xe chở đá, cát che bạt rất sơ sài nối đuôi nhau chạy, bụi bay mù mịt rất nguy hiểm cho các phương tiện khác cùng tham gia giao thông trên tuyến. Xe tải còn gây ô nhiễm môi trường, phá nát mặt đê, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân. Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền phải vào cuộc, kiên quyết xử lý những phương tiện vi phạm, không để tình trạng xe quá tải “lộng hành” như thế nữa”.
Trụ bê tông, cọc tiêu để ngăn xe quá khổ, quá tải tàn phá tuyến đê bị đập vỡ, bẻ gãy…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn cho biết, trước tình trạng xe quá tải đang hằng ngày cày nát tuyến đê sông Hoàng Long, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình đã tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng, xây dựng cột mốc, cọc tiêu để bảo vệ đê.
“Phòng cũng đã phối hợp với Công an huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND các xã và các đơn vị liên quan mở các đợt cao điểm và thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng, hành vi phá hoại biển báo hiệu, cột mốc bảo vệ đê, cọc tiêu… trên các tuyến đê”, ông Bình thông tin.
Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Nho Quan cũng cho biết, sau khi Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình thực hiện cắm biển giới hạn tải trọng trên các tuyến đê, phía đơn vị cũng đã ra quân và xử lý được 9 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp xe chở quá tải trọng, 4 trường hợp xe quá chiều cao chạy trên tuyến đê hữu sông Hoàng Long.
Người dân cho biết, một số doanh nghiệp đổ đất, đá lan cạp rộng đê để phục vụ cho xe to qua lại trên đê.
Tuy nhiên, theo Trung tá Sơn, việc cắm biển giới hạn tải trọng trên đê sông Hoàng Long vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được hết hiệu quả khiến cho việc xử lý các xe vi phạm cuả lực lượng còn gặp nhiều khó khăn.
“Đoạn đầu đường từ QL 21 rẽ vào tuyến đê sông Hoàng Long có biển báo quy định tải trọng thì dễ xử lý, thế nhưng biển giới hạn tải trọng chỉ có hiệu lực tới khu vực có ngã 3, còn khi qua ngã 3 thì biển giới hạn tải trọng hết hiệu lực. Vì vậy, trong quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng có phát hiện xe tải chở vật liệ có dấu hiệu quá tải nhưng không thể xử lý được. Thay vào đó chỉ xử lý những lỗi nhỏ như không che bạt, làm rơi vãi đất cát, vật liệu”, Trung tá Sơn nói.
Các đơn vị hữu quan đều cho biết đã và đang có những biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng nêu trên. Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra hàng ngày là tình trạng xe quá tải chạy rầm rập tàn phá mặt đê, gây nguy cơ mất an toàn giao thông và đặc biệt đe dọa sự an toàn cho mặt đê sông Hoàng Long đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt và mạnh tay hơn nữa và quy rõ trách nhiệm chính thuộc về ai, đơn vị nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc nêu trên.


-
Thanh Hóa: Doanh nghiệp hoàn trả đường cho huyện theo kiểu “đối phó”
-
Vụ công ty đấu giá bị “tố” chiếm dụng tiền của khách hàng ở Bạc Liêu: Công an vào cuộc
-
Quảng Ngãi: Doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở bờ sông, hư hỏng đường giao thông
-
Công ty CP cơ điện công trình và những thửa đất được “biến hình”



-
Từ 1/3, bắt đầu tổng điều tra kinh tế năm 2021
-
Lớp học miễn phí cho con em công nhân khó khăn
-
Hơn 1.200 thanh niên Thừa Thiên Huế hăng hái tham gia nhập ngũ
-
Bạc Liêu: Nhiều vụ bán đấu giá tài sản công có dấu hiệu khuất tất cần làm rõ
-
Chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2021
-
Hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam
-
Bộ Y tế công bố 18,3 triệu người thuộc 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
-
Vĩnh biệt đồng chí Trương Vĩnh Trọng
-
Vụ công ty đấu giá bị “tố” chiếm dụng tiền của khách hàng ở Bạc Liêu: Công an vào cuộc
-
Thủ tướng truyền thông điệp về chương trình 1 tỷ cây xanh
-
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương